Cách phối màu sơn đẹp không kém chuyên gia

Sơn nhà là công đoạn quan trọng trong quá trình hoàn thiện nhà mới hay tân trang lại nhà cũ. Vậy làm thế nào để có thể phối màu sơn đẹp, tạo nên sự khác biệt cho không gian sống?

Mục lục

Phối màu sơn không phải là công việc cảm tính mà đòi hỏi phải có kiến thức căn bản để đưa ra những tính toán khoa học về cách lựa chọn màu sắc và tỉ lệ màu sắc. Để biết cách phối màu sơn đẹp, trước tiên cần nắm rõ một số kiến thức cơ bản về màu sắc cũng như các phương pháp kết hợp màu sắc nhằm tạo nên không gian sống hài hòa mà vẫn ấn tượng.

Một số kiến thức cơ bản về màu sắc

Bánh xe màu sắc hay vòng tuần hoàn màu sắc được Issac Newton tạo ra vào năm 1666 dưới dạng sơ đồ. Từ đó tới nay, nó đã được cải tiến và biến đổi thành nhiều biến thể khác nhau nhưng nhìn chung, đây vẫn là công cụ cơ bản trong phối màu. Với vòng tròn màu sắc, việc phối màu sơn sao cho phù hợp đã không còn là vấn đề khó “nhằn” nữa.

bánh xe màu sắc
Bánh xe màu sắc.

Các dạng màu sắc

  • Màu sơ cấp gồm 3 màu cơ bản, là nền tảng của cả hệ thống màu và không được tạo ra bằng cách pha trộn giữa các màu khác nhau. Tùy thuộc vào hệ thống màu khác nhau mà bộ 3 màu căn bản sẽ có sự khác biệt, chẳng hạn mô hình màu bổ sung RGB gồm đỏ, xanh lá, xanh dương; hệ thống màu RYB gồm đỏ, vàng, xanh dương; mô hình màu bù trừ CMYK gồm xanh lơ, hồng cánh sen, vàng, đen.
  • Màu thứ cấp được tạo ra bằng cách kết hợp 2 màu sơ cấp với tỉ lệ như nhau. Mỗi hệ thống sẽ có màu sơ cấp khác nhau. Màu sơ cấp của hệ thống RGB gồm vàng, hồng cánh sen, xanh da trời; của hệ thống RYB gồm cam, tím, xanh lá; của hệ thống CMYK gồm đỏ, xanh dương, xanh lá.
  • Màu tam cấp: Sự phối hợp giữa màu sơ cấp với màu thứ cấp tạo nên màu tam cấp.

Màu lạnh, màu nóng và màu trung tính

  • Màu lạnh là những màu nằm về phía màu xanh lá – xanh dương trên bánh xe màu sắc. Những gam màu này mang tới cảm giác dễ chịu, thoải mái khi nhìn vào. Trong thiết kế nội thất, các gam màu lạnh có tác dụng mở rộng không gian một cách trực quan cho những căn phòng hạn chế về diện tích.
  • Màu nóng là những gam màu được tạo ra từ các màu như đỏ, da cam, vàng… gợi liên tưởng về nhiệt độ cao. Những gam màu này tạo ấn tượng, mang đến cảm giác ấm cúng cho không gian nội thất.
  • Màu trung tính là những màu không có trong vòng tuần hoàn màu sắc, gồm xám, nâu, vàng nâu.

Màu nhẹ, màu tối và màu lặng

Các thuật ngữ màu nhẹ (tint), màu tối (shade) và màu lặng (tone) mô tả các khái niệm màu sắc khá đơn giản nhưng được ứng dụng rất phổ biến. Hiểu đơn giản:

  • Màu nhẹ là phiên bản nhạt hơn của màu gốc, được tạo ra bằng cách thêm màu trắng vào màu gốc. Lượng màu trắng được thêm vào càng nhiều thì màu tạo thành sẽ càng nhạt tương ứng.
  • Màu tối là màu tối hơn của màu gốc, được tạo ra bằng cách pha thêm màu đen vào màu gốc, càng thêm nhiều màu đen thì màu tạo thành sẽ càng tối.
  • Màu lặng được tạo thành bằng cách thêm cả màu trắng và màu đen vào màu gốc. Màu này ít rực rỡ và ít đậm hơn so với màu ban đầu. Việc thay đổi tỷ lệ màu đen và màu trắng thêm vào hỗn hợp sẽ tạo ra màu mới với độ sáng, độ đậm khác nhau.

Các cách phối màu sơn

Sự cân bằng màu sắc cực kỳ quan trọng trong thiết kế nhà bởi não bộ nhận diện màu sắc nhanh hơn ngôn ngữ, hình khối. Màu sắc còn ảnh hưởng tới cảm xúc của con người, tác động tới thị giác và khơi gợi cảm hứng. Từ 3 màu sơ cấp, khi phối trộn cho ra hàng trăm màu khác. Dưới đây là 6 công thức phối màu giúp bạn dễ dàng lựa chọn được màu sơn nhà phù hợp.

Cách phối màu đơn sắc

Phối màu đơn sắc là cách phối màu đơn giản, dễ thực hiện và cho hiệu quả cao. Trên bánh xe màu sắc, chỉ chọn một màu duy nhất để sử dụng, đồng thời kết hợp thêm các sắc thái đậm, nhạt nếu muốn để tăng chiều sâu cho không gian. Ưu điểm của phương pháp này là tạo sự thống nhất, có tính liên kết cho ngôi nhà, giúp không gian không trở nên rối rắm, lộn xộn. Tuy nhiên nhược điểm là nếu làm không khéo thì không gian dễ trở nên đơn điệu, thiếu điểm nhấn.

phòng khách áp dụng cách phối màu đơn sắc
Các sắc thái khác nhau của màu xám kết hợp hài hòa trong không gian tiếp khách hiện đại. Ảnh: Sasha Berlin Design

Phối màu tương phản

Phối màu tương phản hay phối màu bổ túc trực tiếp tức là lựa chọn một màu yêu thích làm màu chính, sau đó chọn màu đối xứng với màu này trên bánh xe màu sắc làm màu tương phản (màu phụ). Sự đối lập giữa 2 màu gây chú ý, kích thích giác quan, giúp không gian trở nên thu hút hơn. Tuy nhiên, cách phối màu này không phù hợp với những không gian có tính chất nhẹ nhàng, thư giãn. Khi phối màu tương phản, cần phải ghi nhớ sử dụng màu yêu thích làm màu chủ đạo và màu tương phản là màu trang trí, điểm nhấn.

Các cặp màu tương phản mà bạn có thể lựa chọn như: xanh dương – cam, đỏ – xanh lá, vàng – tím, đỏ cam – xanh aqua…

Phối màu liền kề

Phối màu liền kề hay phối màu bổ túc tương đồng là chọn 3 màu sắc nằm cạnh nhau trên bánh xe màu sắc để kết hợp với nhau. Khi đó, các màu sắc sẽ tự hỗ trợ lẫn nhau, mang tới cảm giác hài hòa, nhẹ nhàng cho không gian.

Bộ màu tham khảo: xanh dương – xanh lá – xanh da trời, đỏ – đỏ tím – tím, vàng – xanh lá – xanh dương…

Phối màu bổ sung xen kẽ

Cách phối màu này sử dụng 3 màu nằm ở 3 góc khác nhau trên bánh xe màu sắc tạo thành hình tam giác cân. Điều này giúp cho không gian trở nên ấn tượng, thu hút mắt người xem ngay từ lúc đầu. Trong một số trường hợp, người ta có thể sử dụng thêm một màu thứ 4 (nằm ở vị trí đối xứng với 1 trong 2 màu tạo nên đáy tam giác).

Bộ màu tham khảo: hồng – tím – vàng, đỏ – cam – xanh da trời…

Phối màu bổ túc bộ 3

Đây là phương pháp phối màu an toàn, mang lại hiệu quả không kém gì phương pháp phối màu đơn sắc. Sau khi chọn được 1 màu chủ đạo trên trên bánh xe màu sắc, hãy chọn thêm 2 màu còn lại tạo thành tam giác đều làm màu phụ. Do 3 màu nằm ở 3 góc khác nhau trên bánh xe màu nên chúng kết hợp và bổ sung cho nhau tạo nên sự cân bằng mà vẫn ấn tượng.

Bộ màu tham khảo: đỏ – xanh dương – vàng, xanh lá – cam – tím…

Phối màu bổ túc bộ 4

Đây là cách phối màu đẹp nhưng khá phức tạp, đòi hỏi phải có kiến thức nền tảng tốt. Phối màu bổ túc bộ 4 hình thành từ 2 cặp màu bổ túc trực tiếp trên vòng tròn màu kết nối thành hình vuông hoặc hình chữ nhật. Sự đối lập và bổ sung của 2 cặp màu mang đến sự hiện đại, mới mẻ, phù hợp với xu hướng thiết kế nhà hiện nay.

Bộ màu tham khảo: xanh lá – cam – đỏ – xanh dương.

Sai lầm cần tránh khi phối màu sơn nhà

Phối màu chính và màu nhấn chưa phù hợp

Màu chính và màu nhấn là hai trong nhiều yếu tố quyết định tính thẩm mỹ của ngôi nhà bởi hai màu này cộng lại chiếm khoảng 70% tổng diện tích cần sơn. Lời khuyên cho bạn là không nên chọn màu nhấn đối kháng với màu chính, thay vào đó hãy chọn màu nhấn cùng tông nhưng đậm hơn màu chính để không gian trở nên hài hòa hơn.

Màu sơn không hài hòa với màu nội thất

Màu sơn và đồ nội thất không đồng bộ sẽ tạo nên sự khiên cưỡng cứng nhắc. Do vậy, hãy cân nhắc màu sơn của ngôi nhà mỗi khi mua sắm nội thất. Tốt hơn hết, màu sơn cũng như nội thất nên được thi công theo bản vẽ thiết kế để tránh sự lệch pha không đáng có.

Bỏ qua yếu tố ánh sáng

Việc không tính toán đến yếu tố ánh sáng có thể làm ảnh hưởng tới cảm nhận về màu sắc và không gian. Thông thường, màu sơn nhà tối cùng với ánh sáng yếu càng làm thu hẹp không gian, trong khi màu sơn sáng cùng ánh sáng mạnh có tác dụng mở rộng không gian. Trước khi chọn và áp dụng bất cứ cách phối màu sơn nhà nào, cần tính toán đến ánh sáng yếu hay mạnh để điều chỉnh cảm giác về không gian cho phù hợp.

Bỏ qua công năng của phòng

Mỗi căn phòng với chức năng khác nhau thì sẽ có một màu sơn phù hợp tương ứng. Chẳng hạn như phòng ngủ cần sự nhẹ nhàng, yên tĩnh nên không phù hợp với những gam màu nóng như đỏ, cam, thay vào đó nên chọn những gam màu nhẹ nhàng như vàng nhạt, xanh nhạt.

.
.